Đám Cưới Ma
Tác Giả: Becca
Thể Loại: Kinh Dị, Ma
Ở quê lúc trước thì 1 số người có thói quen là cứ hễ có đám tiệc hay có cỗ có đãi đằng gì họ đều chạy tới ăn. Âu cũng là cái thói quen của người dân chúng ta tới ăn tiệc rồi chúc mừng. Mấy vùng quê khỏi cần mời, cứ hễ nhà nào có tiệc tùng là bà con hàng xóm hay khách ghé tới tự đi ăn rồi chúc mừng. Nhiều đám tiệc rình rang đãi đằng đến cả tuần, bà con, người quen, làng trên xóm dưới kéo tới tấp nập. Chuyện này xảy ra với 1 ông quen đi ăn tiệc, ăn dỗ và nhất là ăn đám cưới đám hỏi.
—–
Tôi với bà vợ cãi nhau 1 trận. Đây là lần đầu cãi nhau với bả về cái vụ đi ăn đám cưới. Bả không đi thì thôi, tôi dẫn sấp nhỏ đi.
“Ông vừa phải thôi. Thiệt mất mặt với ông. Đám cưới nhà anh Láng cả tuần trước rồi. Đám hỏi, rồi đãi nhà trai nhà gái, đãi chính, ông đều đi cả. Lần nào cũng say bét say nhè mới về, nói bậy nói bạ khiến người ta xấu hổ. Tối nay họ bảo rõ ràng là đãi đám bạn học cử nhân của bên cô dâu chú rể với thầy cô bạn bè. Nghĩa là chẳng có phần của bà con trong xóm. Là ý người ta muốn đuổi khéo mấy người như ông đấy. Ông tới để làm quái gì, toàn mấy thanh niên nam nữ. Có xấu hổ chết không?”-Bả nạt hẳn vào mặt tôi.
“Cái bà này, vớ vẩn, cưới hỏi thì họ quý khách lắm. Anh Láng bên đó với tôi là bạn tri kỷ, là ảnh kêu tôi qua mà. Thì qua coi sao chứ. Chứ có đám vài người khách, nhìn chẳng vui gì. Đám cưới là vui mà, mang 3 chai bia qua rồi…”-Tôi còn nói lại cho bả hiểu.
Bả cầm roi ra quất cái rầm trên bàn. Mấy đứa con tôi khiếp vội chạy vào chẳng đứa nào chịu đi với tôi. Tôi bực cả mình nên đi cho rồi. Chắc cũng mấy bà vợ rỉ tai nhau bảo làm dữ thế. Chứ cánh đàn ông chúng tôi thì mê nhậu với ăn tiệc lắm. Hàn huyên tâm sự mà. Tiệc vui thì uống rượu cũng ngon hơn mọi lần. Cái anh Láng này thì tôi chẳng lạ gì. Ảnh mê nhậu lắm, lần này lại là việc thằng con đám cưới, cái sự vui vậy ảnh càng muốn xả hết ga. Đâu phải hay có cái việc hỷ sự này. Vậy mà giờ mấy bả làm thế đó. Mấy bả cũng thế thôi thứ sao, ngồi tám 1 cái là cả ngày, có 1 chuyện ruồi bu mà chạy qua nhà nhau nói cả tháng.
Bực quá tôi qua nhà anh Láng. Ai dè anh ta thấy tôi thì đi ra cửa hồi lại bảo hôm nay chẳng được, con nó đãi cánh bạn học. Chậc… tôi 1 bụng bất mãn. Dòm vô thấy bà vợ ảnh với cái mặt đuổi người rồi. Trên sân là 3 cái bàn với nào bếp lẩu nào cá chiên… nào mì xào nào gỏi. Trời, còn xôm hơn hôm qua đãi hàng xóm láng giềng. Hôm qua chỉ có cải xào, cá kho với dưa cải, rau lang luộc, cháo hột vịt muối, hạt dưa, mứt. Tuy thế là ngon rồi chớ coi kìa, khác nhau xa lắc. Mấy nhà đãi đám cưới là vậy đó, đãi còn phân giai cấp, đãi xóm giềng là bèo nhất, không đi hết thì chẳng ăn được cỗ ngon. Anh Láng còn đuổi khéo tôi bảo đừng làm bà vợ ảnh bực, ngày vui mà, cứ có cãi cọ hay nhậu say đổ vỡ gì thì xui cho đám nhỏ. Tôi đôi co 1 chút bảo ảnh mời tôi qua mà, đã giao trước là ăn xả láng nhậu hết ga.
“Thôi, anh làm ơn, bữa nào tôi bù cho anh. Hay là anh qua bên Cù Lao Bố mà ăn đám giỗ, hay đợi tuần sau là có đầy tháng cháu của Hai Giêng.”-Anh Láng bảo.
“Dĩ nhiên là đi chứ, nhưng mốt mới đám giỗ. Nhớ bù đó… Mà thôi, dù sao hôm nay cũng tụi nhỏ anh đãi bạn, hay qua nhà Tư Sáu ăn tân gia đi.”-Tôi kéo kéo ảnh đi.
“Thôi đi ông, Tư Sáu là thằng hay giật mối ở đại lý Trái Cây NGon với chúng ta mà, chúng ta cũng giật lại, rồi đánh nhau có lần đập bể đầu. Ông qua nhà hắn làm gì. Còn tân gia, Tư Sáu đâu có đãi tân gia gì.”-Anh Láng nói.
“Thì qua coi nhà mới của hắn, xem ra làm sao. Không đãi, làm gì có chuyện không đãi. Thằng Tư Sáu là tên khoe của với thích nhậu số 1 mà. Mà anh sợ đánh nhau nữa thì qua nhà cô Hai Dung.”-Tôi nói.
“Hai Dung nào?”-Hai Láng nói.
“Đâu có biết. Nghe thằng lái xe chở trái cây bảo Hai Dung mới mua xe, đi làm lễ cúng táo quân với chư thần phù hộ. Đâu ở trên xã Thượng.”-Tôi chỉ bang quơ nói.
“Làm ơn đi ông nội. Xã thượng xa lắc, ông có biết người ta đâu mà tới ăn, người ta đánh cho.”-Hai Láng bảo.
“Tôi nói anh chẳng biết gì. Tôi nè… hồi trước có lần tôi lên Mỹ Tho thăm ông già tôi ở trển với con út. Đó, đang đi trên đường thấy có đám đưa dâu. Thế mà nhìn có lèo tèo. Ra là nhà gái đơn chiếc. Nhìn thảm quá chừng, mang mấy cái mân khệ nệ rớt cả ra đất, tôi mang giúp. Cái trời, họ mời tôi theo đoàn. Cũng rảnh nên tôi đi dùm còn đèo xe tới nhà con Út nhờ chồng con nó ra phụ. Đó, rồi họ đãi nguyên băng, còn được ngồi ở bàn đàn gái. Tụi cháu trai cháu gái khoái quá chừng, coi múa lân coi đốt pháo có quay phim chụp hình nữa. Ở lại nhậu cả tuần. Do còn có bà con là Việt kiều của bên nhà trai tới. Sau rồi con Út em tôi thân với bên đó luôn. Đám tiệc gì ở bển mà họ không mời tôi đâu, còn cảm ơn là tôi đường xa còn ghé. Tiệc thôi nôi của con họ thiệt linh đình đó.”-Tôi ngồi kể.
“Ôi, chuyện này anh kể hoài. Bữa nào rảnh thì tôi đi cùng anh. Hôm nay không được. Hay anh cứ xách xe chạy vòng vòng coi có đám giỗ đám quải gì không. Ờ, đúng đó, nhiều đám cúng kiến lắm. Dạo này mấy cái khu công nghiệp mới hay đô thị mới lắm công ty mọc lên, thể nào chẳng có đốt pháo rồi cúng. Hay anh tới chỗ Hai Dung nào đó đi. Còn không rủ thằng lái xe đi.”-Anh Láng chỉ tay nói.
Tôi nghĩ cũng phải, không rủ ông này cũng rủ thằng khác được. Dạo này ít đám đãi đằng chứ hồi xưa bố tôi khác hẳn, ổng còn lên lịch rồi đám này mời đám kia mời, hai ba cái trùng nhau, ổng còn chẳng biết đi đám nào nữa. Bởi vậy bà con mới có cái tục đãi gì cũng đãi nhiều ngày, cho khách còn có thời gian sắp xếp để đi. Giờ mấy đám đãi quá sức là kẹo. Hồi trước thiếu thốn chứ tiệc đám cưới là họ đãi cả cây vàng chưa tính tiền hồi môn hay sính lễ, tiền đãi đằng cúng kiến thôi đó. Vậy mới được cái hên. Hồi đó ai cũng quý khách, nghĩ chung vui là điềm tốt, thêm người chúc mừng thì thêm cái phúc lộc chứ đâu phai giờ. Tôi buồn vì thời này tha hóa quá. Nhất là đám trẻ trẻ, cứ làm theo ý chúng, đãi tiệc chung thân đại sự mà mời có vài ba người. Tôi từng đi đám cưới trên thành phố. Ban đầu tôi hâm hở lắm, tưởng họ đãi lớn. Ai ngờ cũng lớn thiệt mà đãi trong hội trường theo kiểu đám cưới tập thể. Đồ ăn thì hỡi ơi, toàn ba cái đồ nguội đồ lạnh như dồi, thịt đông, xá xíu, cơm chiên, chả giò, mỗi bàn chỉ được uống cỡ 8 chai bia thôi. Tôi dắt xe đi nghĩ thôi, hôm nay với mai tạm nhịn rồi có đám khác sẽ nhậu bù lại.
—–
Thiệt may quá trời là may. Đang đi thì thấy có đám rước dâu kìa. Tôi tới nhà Hai Dung ăn vài món đồ cúng rồi về. Nhưng thông tin sai lệch, chẳng phải lễ cúng mà là đám giỗ. Còn nhà thì nghèo ơi là nghèo. Hèn gì thằng lái xe bảo tôi chiếu cố vợ chồng Hai Dung. Ra là dân mới tới đây lập nghiệp, mua được cái xe ba gác mừng hết lớn chứ tính đi moi rác mà sống. Nhà ở xã thượng chứ là nhà sàn ngay ven sông. Ọp ẹp rồi tăm tối lắm. Được cái thằng chồng hiếu khách do biết đám chúng tôi là chợ trái cây bèn mời vào ăn giỗ. Giỗ của em gái Hai Dung. Chết mới được 1 năm. Còn trẻ mà chết thiệt tội nghiệp lắm. Nghe bảo bị 1 thằng phụ bạc rồi uống thuốc rầy tự tử. Nhà họ nghĩ sẽ thân với tôi nên kể lễ hết việc trên dưới. Thấy cũng là gia đình thật thà. Nên dỗ nhậu dĩa rau muống với mắn tôm, với cá trê kho tộ cũng ngon. Đang làm vài ly thì họ có khách. Một bà già với ông già nhìn ốm tong ốm teo tới, còn đưa cái gì cho cô Dung mà cổ vội chạy ra nhận còn mở ra nói to là “Trời, thiệt… cứ tưởng ông thầy Ba đó lừa gạt…” Thế rồi họ bỏ đi. Nhìn như ma mặt mày buồn thảm dữ lắm.
“Bà… giờ vui rồi ha bà. Thằng Tinh sắp có bạn đời rồi.”-Ông già dẫn bà già vừa đi vừa cười.
Chẳng hiểu gì tôi cũng chẳng để ý nên uốn rượu. Nghe khẩu âm thì thấy là người Hoa. Nhưng trông nghèo quá. Cô Dung đi đưa tiền gì đó cho bọn con bảo đóng tiền học. Rồi xong cổ lại ngồi dòm ra bảo già neo đơn, nhìn tội quá.
—-
Tôi trên đường đèo xe về thấy có đám rước dâu. Nên tấp vào đi theo. Vụ này tôi quen rồi. Nhìn có vài người thôi nè. Với lại tôi đã say gì, mới có mấy chén. Mà đi gì đêm hôm lại đón dâu chứ? Thôi biết rồi, là đám cưới của người Hoa, họ chuyên cái giờ lành tháng tốt, hay lắm cái vụ oái oăm là cô dâu chú rể chẳng hợp tử vi, cái phải theo cách thầy bảo là làm đủ thứ việc kỳ quặc, hay thầy bảo đi giờ nào mới ăn nên làm ra. Tôi chẳng lạ gì vụ này, ông già tôi hồi trước làm thầy coi tướng số. Tôi ghé mắt coi thấy ai cũng im im mà đi. Thế mà mâm quả trầu cau không phải trầu cau để chưng mà là vòng vàng mã não. Trời… sang vậy sao, còn hơn đám cưới của cái cô Hạnh lần đó nữa. Hèn gì đám người này khinh người quá chẳng nói 1 câu. Tôi đèo xe theo họ để ăn đám rước dâu chứ chẳng cần nói chuyện gì. Vùng xóm Thượng này tôi chẳng quen nhưng có 2 hay 3 đám người quen ở trên này. Thế nào 1 chút ăn tiệc cũng gặp cho mà xem. Với lại giờ này là 6 giờ, vừa đẹp làm lễ nghi xong cho cô dâu chú rể là nhập tiệc nhậu đến khuya là vừa đúng giờ về.
Thế mà họ đi vào khu đồng trống. Lau sậy không. Tôi bực mình chẳng biết làm sao. Nhưng đã theo tới đây rồi, mà bỏ thì uổng công quá. Tôi đèo xe đi theo. Lau sậy sào sạt mỗi bước chân. Mà đám rước này đi nhanh quá, cứ đi vèo vèo, chẳng để ý thấy họ luôn đi trước tôi. Lúc đó tôi cũng chẳng tỉnh trí cho lắm nên không thấy gì kỳ quái mà cứ theo như bị hút hồn theo ấy. Có dòm qua cô dâu rồi. Đội khăn đỏ mặc sườn xám đỏ. Chân đi hài cũng đỏ. Vùng nào cũng lác đác có người Hoa sống, tôi từng đi nhiều đám cưới sinh của người Hoa rồi, nên không lạ gì. Chẳng để ý chứ đến nơi rồi. Không ngờ giữa đồng lau sậy có căn nhà 3 tầng đẹp vậy. Có cổng ngoài rồi có 1 chiếc xe hơi đậu. Dám cá là đất của đại gia nào đó. Nghe bảo nhiều đại gia mua đất hẳn rồi xây nhà cho sang chứ chẳng them tới khu đô thị mới mà ở, nhất là đám chủ thương nghiệp trong vùng, nhà giàu phải biết, làm ăn với nước ngoài, có cả mấy chục tỷ đồng. Cổng ngoài cửa sắt nhìn vô trong thấy nhà cao cửa rộng. Thế mà nhìn âm u tối om. Tưởng ở sân bày hết bàn tiệc chứ thấy chỉ có 1 cái bàn dài để mâm quả chắc để cho cô dâu chú rể vái đây mà. Thấy đám rước dâu vô đó cả nên tôi đẩy cửa ngoài là vô ngay. Cũng có mấy người khách đứng kìa. Nhìn lịch sự quá, nam mặc đồ thắt cà vạt đứng tay nắm để trước. Nhìn như đứng bảo vệ. Rồi sân từng ô gạch xi măng vuông vức với các đường cỏ xanh thẳng tấp nhìn như ai lấy bút vẽ đó. Chú rể đại gia đây rồi, đang quay lưng đứng quay mặt vô cái bàn mâm quả. Nhiều người cũng quay lưng để làm lễ thì phải. Chắc cúng ông bà xong thì vào tiệc. Do hơi buồn ngủ rồi tôi kệ họ làm lễ gì chợp mắt ngay cái ghế đó. Lờ mờ thấy chú rể dắt tay cô dâu đi qua. Mi mắt nặng trĩu nên tôi ngáp ngủ lờ đờ vỗ tay nói: “Chúc Mừng. Trăm Năm Hạnh Phúc.”
—-
Lúc tỉnh dậy thì thấy nhập tiệc rồi. Phải nói là tỉnh hẳn khi thấy đầy bàn toàn là đồ ăn ngon lành. Chẳng biết họ dọn lên khi nào luôn. Rồi sao tự dưng đông nghẹt khách. Thấy hơn 25 bàn đầy khách. Rồi cả mấy đứa nhỏ ngồi bệch dưới đất ăn bánh ít. Trên bàn cũng có 1 dĩa bánh ít, bánh bao. Chứ đồ ăn khác toàn là sơn hào hải vị, heo quay vịt quay, gà luộc, cá chưng, súp. Trời… hơn 20 món. Có cần sang dữ vậy không. Tôi vội gấp dù còn no. Gấp rồi dòm quanh coi có ai quen mặt không. Không thấy ai quen luôn. Mà còn ăn uống im lặng lắm, ai cũng cấm đầu ăn như chết đói. Chỉ nghe tiếng chén đũa liên tục. Bà già đối diện tôi đang nhai xương, ngậm cả 1 cục xương múc máp rồi nhả ra. Ăn gì xấu thế? Bả là còn lịch sự chứ ông bên cạnh tôi cứ gấp cho 3 đứa con của ổng liên tục. Chúng lấy tay bóc ăn. Thoáng cái mấy dĩa đồ ăn thành hỗn tạp. Làm tôi méo cả mặt. Tôi vội ăn 1 cái cánh gà. Nguội cả rồi. Ây da, chắc làm lễ nghi lâu quá nên đồ nguội hết trơn bởi vậy lắm đám nhắm làm lễ này lễ nọ lâu nên đãi đồ nguội. Nãy giờ tôi ngủ chứ chắc là 2 họ ra tuyên bố rồi chúc mừng đôi trẻ hay cúng ông bà xong dâng trà này nọ, hay đại diện thông gia lên phát biểu cám ơn khách tới chúc mừng ngày vui. Chẳng biết mấy giờ mà tối mịt. Đám tiệc ở quê đãi cử trưa chứ mấy đám dân thành phố đãi tiệc cưới hay họp mặt gì toàn đãi buổi tối rồi lên hát múa nhảy đầm nhậu nhẹt tới tối mịt luôn.
I cha… có gì níu đùi tôi rồi xẹt qua dưới bàn. Là đám con nít đi tiệc rồi rủ nhau chơi trốn tìm hay phá khách ăn tiệc. Hai thằng ranh nhà tôi chuyên môn, bởi thế chúng thích đi tiệc lắm, lần nào đi tiệc bọn trẻ chẳng tụm lại chơi cùng rồi quấy phá 1 phen bày ra đủ trò. Tôi cũng tính la nhưng mà chẳng phải 2 thằng con mình bày đầu với lại ở đây chẳng thân quen ai, đi la con người ta có khi họ la lại rồi bảo làm mất vui. Nên tôi kệ, dù sao bọn nhỏ chỉ bò qua bò lại chui xuống gầm bàn chơi thôi chừng nào chúng làm bể ly bể dĩa mới tính. Ly trà nguội ngắt. Tôi chẳng thấy ai uống bia rượu gì. Phát hiện thấy trên bàn dài cúng đồ là có hẳn mấy chai rượu nhãn đắc tiền như XO, Rémy, Chivas kìa. Thế mà chẳng ai uống hết, toàn lo ăn. Tôi tính đi lấy chai rượu về để nâng ly cùng bàn mình. Cứ có người nâng ly hô xướng thì ai cũng nâng ly rồi vui thôi. Ây chà… thế mà thằng nhỏ dưới bàn cứ ôm chân tôi, thế thì làm sao đi? Tụi nhỏ này quậy quá. Mà lắm đứa thật, chưa thấy đám tiệc nào mà đông con nít vậy. Có nhiều đứa còn đu trên hàng rào ngoài cửa để chơi cái gì đó. Nhìn chúng bẩn kinh. Lần nào trong xã có đám tụi con nít cũng kéo tới rất đông khi thì đi xem cô dâu chú rể khi thì đi coi đốt pháo múa lân. Lắm đứa bụi đời hay mấy đứa ăn mày ở bến xe chạy tới cũng có nữa. Thường người ta đuổi chúng chứ có nhiều đám tốt bụng chuẩn bị sẵn đồ ăn mang ra cho chúng. Thằng con nít còn bám chân tôi, tôi sẵn cùng giỡn với nó chỉ thọt tay xuống bàn rồi nắm đầu nó đẩy trán nó ra. Trời… chạm lộn vô mặt nạ… Tụi nhỏ nhày, giỡn cái gì, đi hù người ta. Mấy cái mặt nạ hóa trang giờ trông ghê quá. Tôi thấy bọn nhỏ nhà tôi mua về rồi dọa chơi mà cũng có đứa khóc thét lên thật, hay cả cô Ba Kiên hay la chúng có lần chúng phục kích cổ dọa cổ 1 phen cho la hét chạy vô làng. Cái mặt nạ của nó trông kinh kinh với lớp da sần bông tróc, 1 bên góc dưới mắt là xương trắng phếu. Tôi đẩy mãi nó mới ra. Có lũ con nít dơ dáy mò vào tiệc được, hay đám trẻ ở chỗ bãi rác người ngợm hôi thối. Tôi thầm nghĩ cái nhà giàu này ít người trông coi tiệc quá, hay họ giàu rồi mở bàn ngoài sân đãi xóm giềng chứ chẳng trông coi gì, họ ở trong mở tiệc. Đúng là chẳng thấy cô dâu chú rể đâu, còn dòm vô trong thấy nhà cửa vẫn tối tăm. Mấy người 2 họ còn đứng quay lưng ở cái bàn làm lễ đó. Tôi chợt nghĩ không lẽ tới phần khác của đám cưới, cô dâu chú rể thay bộ đồ cưới kiểu Tây rồi ra làm thêm cái lễ là đại diện nhóm khách này khách kia lên chúc rồi mới khui rượu bia cho khách chúc mừng, mở nhạc đình đám. Chắc vậy quá, tôi đi nhiều đám cưới thấy lắm đám cung cách khác hẳn. Hai Láng hôm qua còn bảo nhà con dâu trên thành phố, lúc đãi trên đó toàn bạn làm ăn của anh ông bố cô con dâu này, là thằng cha giám đốc gì mà kiểu cách lắm, tới ăn đám cưới còn kêu nhà bển tổ chức riêng 1 phần cho mình, bắt có MC giới thiệu rồi trổ nhạc rồi nổ bong bóng xong mời chả lên cầm mic đích thân lên chúc cho 2 cháu xong rồi đưa tiền chúc mừng, mở phong bì đếm như vẻ chả quá nhiều tiền, xong tới bà vợ chả chúc, rồi con chả chúc… cả nửa tiếng mới xong, khách khứa thì không tự nhiên tí nào, gượng gạo, cũng vỗ tay chứ ông sui bên ấy rầu lắm còn bảo bên anh hai ông ấy vậy đó. Tôi nhớ nhiều bà đi đám cưới về bảo mấy cái đám theo lối Nhà Thờ khó đỡ lắm, tưởng vỗ tay mà họ không cho, ai cũng dòm còn ra nhắc… rồi tục này tục kia, làm lễ cả buổi sáng ở nhà thờ, thấy người này lên đọc cuốn sách này, người kia lên đọc đoạn kia, xong cha xứ đứng giảng, rồi cha xứ đọc gì đó dâng bánh trắng xong cho cô dâu chú rễ với 2 họ rước trước rồi tới khách xếp hàng rước bánh trắng… ôi, nói chung lằn nhằn mà chẳng ai hiểu gì xong trưa mới làm theo kiểu lễ đón dâu rồi tối mới nhập tiệc. Tôi dòm quanh nhăn mặt thấy cái lối đãi theo tục lệ người Hoa truyền thống này cũng khó đỡ vãi. Chắc theo kiểu truyền thống là đây, tôi tuy đi nhiều cái đám của người Hoa chứ họ ở Việt Nam lâu rồi, thành ra cũng thay đổi nhiều theo bên mình. Bà vợ tôi hay coi phim Tàu, tôi thì chẳng coi chứ đi qua lại cũng thấy vài đoạn đám cưới, thấy cũng hao hao thế này. Coi kìa, có 2 cái lồng đèn đỏ treo trước cửa mà chắc gió thổi tắt chúng cứ bay dật theo gió qua lại. Còn khách tới ăn mặc xuề xòa. Tiệc tùng gì chẳng vui gì hết, tôi tính khi họ chung rượu thì có chén rượu là tôi phải khiến cái đám này vui lên mới được. Chứ thấy đám ma đám dỗ còn vui hơn cái đám cưới này. Tôi tính tới đại cái bàn xin 2 họ này cho tôi nâng ly trước bảo đảm khiến đám cưới náo nhiệt hơn.
Tôi đứng lên đi qua 1 cái bàn nữa. Trời, bàn này toàn dân ăn mày hay sao. Tôi còn dòm thấy ngồi ở dưới là 1 tên xin ăn cục 2 chân nên chẳng ngồi lên ghế mà ở dưới bàn. Quái đản quá, đúng là không có người giữ cửa chứ chẳng lẽ dân nào cũng kéo tới, mấy người nhà này không sợ xui sao. Nhìn ai cũng như xác chết. Tôi còn nghe có tiếng khóc âm ỉ trong nhà vọng ra. Hả? Vụ gì đây? Định đi lấy rượu thôi mà. Tôi vội chụp 1 chai rượu thì nghe tiếng khóc còn thê lương hơn. Tôi tò mò nên đi tới. Đám cưới kỵ nhất là khóc lóc mà. Trời… ghé vào cửa sổ là biết ai khóc. Thì ra là cô dâu. Cô ta mặc bộ đồ đỏ đội cái khăn trùm đang ngồi khóc. Tôi thở dài thật dài. Hèn gì cái đám cưới này chẳng vui nổi, rồi mãi chẳng thấy đâu ra là có oan trái. Bà vợ tôi mà biết là bả chạy tới coi chuyện phim gì. Coi kìa, chú rể ngồi ngay cái ghế kiểu Tàu đóhơi ngước đầu lên. Tấm kính gì mờ quá lại ánh phản chiếu méo mó nên tôi thấy trong đó mặt ai cũng méo lệch hết. Tôi nghĩ bụng không nên rình mò chi, hay ra nhậu say vài ly với mấy người khách trông buồn bã u ám đó rồi chút họ say là nói hết, thế là biết ngay vụ gì thôi. Tôi cũng chẳng ngồi lại bàn nữa mà đứng bậc nấp chai XO rồi rót vào ly. Tiệc đám thì phải đứng đi lại qua bàn này bàn nọ cùng cạn mới vui. Thấy ham thử XO nên tôi nhấp 1 hớp trước.
Phụt…
Tôi phun ra cái hớp như nước dầu hôi đó. Chửi thầm trong bụng. Điệu này là rượu giả rồi. Lắm người mua mấy chai rượu nhãn rồi về bỏ rượu giải vô đem bán. Thế 1 là nhà này mua lầm rượu giả, 2 là họ lấy chai rồi bỏ đại gì vô đem chưng cho lấy le với khách thôi. Mà bỏ gì thì ít nhất bỏ rượu còn uống được vô chứ cái này giống dầu gì mà hôi tanh muốn chết. Tôi còn buồn nôn rồi cố ói hết nước bọt trong miệng đi để bớt cái mùi đó trong khoang miệng mình. Chịu không nổi luôn tôi nôn ra. Tôi nhào chạy tìm 1 góc để nôn. Chạy hẳn ra bên bờ tường ngay hàng rào mà nôn. Khí lạnh làm tôi thấy mệt đến hoa mắt. Lúc nãy do còn hơi men nên thấy ấm, giờ nôn xong lại thấy lạnh rồi. Tôi thầm chửi cái loại rượu giả này hại mình. Cái vị đắng ngét với vị như xăng. May chỉ chạm môi. Đám cưới này bộ muốn thuốc chết người ta sao trời? Tôi rang chống tay vịn tường đứng dậy. Thấy ở tiệc cô dâu chú rể chịu ra rồi kìa. Tôi chạy ra hẳn bờ tường để nôn nên giờ chỉ thấy xa, đã thế còn lắm khách đứng lên nên chẳng sao thấy tỏ được. Phải nhắc họ vụ chai rượu mới được chứ vậy sao đãi khách. Tôi tế nhị nên tìm cái anh đứng gần mé bàn gọi anh ta để đổi chai rượu đó. Tôi lại gần thấy hơi kỳ kỳ rồi. Cái người này đứng y nguyên không động, tay chấp trước chân hơi giang ra, cứ như trong 1 bức hình ấy. Dòm nguyên đám đó dòm kỹ trông giống nhau quá sức, lại không có 1 chuyển động dù là thở. Tôi phát hoảng giật lùi ra. Lúc này bao việc lạ lùng kỳ quái trong cái đám cưới này ùa về… Tôi thấy đám con nít còn bò dưới đất hay chúng ngồi lên hẳn bàn ngồi xổm mà ăn bóc. Khách giờ đứng ai cũng quay về 1 hướng là hướng bàn ngay chỗ tôi. Tôi hãi hùng nhìn rõ những gương mặt đó. Tôi nhào té ra không lếch đi nổi. Tiếng kèn trống vang lên nhưng loạn xạ, cứ như nó vang lên cho có tiếng… Tôi hoảng quá rang lếch đi… Rõ ràng là ma quỷ rồi… gặp ma rồi. Tôi nghe tiếng khóc âm ỉ của cô dâu. Tôi run giật chẳng dám ngoái lại. Tiếng khóc cũng không bình thường, như tiếng mèo kêu tiếng nhỏ mà nó như là kề sát tai tôi vậy. Nếu không phải tôi lớn gan thì đã chết ngay tại chỗ rồi. Họ đứng đầy nên tôi khó lòng mà bò qua. Còn những thứ dị hình khắp nơi nữa. Những đứa trẻ đen xì tới những người như bị xe đụng hay xe tải cán. Nhiều.. nhiều quá… Tôi nhắm mắt lại mà bò. Hay cúi mặt để chẳng nhìn thấy. Tôi thầm nguyền rủa cái thói mê nhậu nhẹt rượu chè với ham đi đám của mình. Tôi nghe rất nhiều âm thanh quái quỷ như tiếng cáo tiếng rì rầm tiếng rên nhưng tôi nhắm mắt không dám nhìn coi phát ra từ nơi nào. Nhưng tôi phải mở mắt để coi đường coi hướng, tôi không muốn ở lại đây nữa đâu… Hàng rào… thấy hàng rào rồi. Tôi lồm cồm bò đứng dậy để chạy. Tôi cấm đầu chạy mừng rỡ vì cánh cổng ngay đó rồi, đẩy 1 cái là tôi sẽ thoát. Tôi nhào tới cánh cửa thấy 1 lực rất cứng. Soa… sao nó không mở, tôi lắc cái cánh cửa sắt còn chồm vươn tay qua chấn song để cố mở cái ổ khóa. Hơi lạnh tràn vào khí quản với 2 lá phổi của tôi tê buốt. Làm ơn đi. Tôi lắc cảnh cửa như điên dại. Cầu Thần cầu Phật… tôi nhớ được câu nào là tụng nhẩm. Tôi lại lắc cánh cổng sắt đó vươn ra cố thoát. Lạnh quá… sao lạnh vậy nè? Tôi không dám quay lại. Tôi thấy bao hơi thở đang phà vào cổ mình. Tôi run giật buôn xuôi rồi mà tay vẫn cố lắc cánh cửa, tiếng sắt nghe rất to. Và hơi lạnh cứ phả phả vào cổ tôi kèm thêm mấy tiếng cười ở sau lưng tôi. Tôi đoán biết cái gì đến rồi sẽ đến.
Khi tôi quay lại thì tất cả bọn họ đang dòm mình, họ quay đầu dòm tôi. Tôi phát ra những âm thanh van thần lạy quỷ để mong thoát chết. Bọn họ trông dị dạng như những cái xác chết quái dị. Rồi bọn chúng kéo tôi tới. Tôi cố vùng vẫy cố la hét mà không ăn thua. Chúng rất đông. Chúng đẩy tôi vào đám đông của chúng rồi tôi cố chen để tìm lối thoát. Một lúc là tôi hiểu chúng muốn đẩy tôi về đâu. Về ngay cái bàn thờ cúng đó. Tôi cố la hét man dại. Tên chú rể đó… A… hắn.. Tôi run như cầy sấy té ngồi ra đất,.. Tôi bị chúng kéo lên ghế. Hắn… tên chú rễ hắn không có gương mặt. Khác với bọn ‘người’ khác, chúng như luồng âm khí hồn ma, tên này còn ‘tươi’. Ngoài bộ trang phục mặc vào mình thì còn lại hắn như đang phân hủy. Một bên quai hàm của hắn mất còn con ngươi lộ ra… Rồi xong bọn họ đều cười. Bọn chúng cử hành hôn lễ bắt tôi chứng kiến. Tiếng khóc âm ỉ nao lòng của cô dâu. Tôi bàn hoàn run rẩy. chứ khi chú rể cười mở khăn đội đầu của cô dâu ra thì tôi chết trân và ngất lịm. Cái miệng có ta hả ra rồi trẹo về 1 bên, gương mặt nhăn nhúm đầy những mụn nước khắp mặt tới cổ, mặt và cổ còn nhiều vết tự cào bê bếch máu thịt. Nhưng chú rể vẫn cười rồi nghi thức diễn ra cho đến cuối tiệc.
—–
Sau đó mấy người phát hiện tôi trong bãi lâu sậy bên cạnh 1 cái thùng thiết đốt giấy vàng mã đã chấy hết chỉ còn tro. Tôi bị giam trong bệnh viện tâm thần 1 tháng. Không dám kể nữa thì họ mới cho tôi xuất viện. Đại khái cả phường xã đồn là tôi đi nhậu bê bếch rồi ra bãi đất trống ăn giấy vàng mã với nhai tro nhai đất. Tôi ghé nhà Hai Dung, cổ kể đầu đuôi là có ông thầy pháp tự dưng tới bảo làm mai em gái của cổ cho 1 người nam mới tử vong vì tai nạn xe cộ, bên nhà trai sính lễ đàng hoàng, tập tục của người Hoa là gả vong cho vong, với mấy người chưa lập gia đình chết trẻ thì vậy đó cho có đôi có cặp ở dưới đó, không buồn bã uất ức… Rồi cổ nói tại nghèo quá mới nhận lời để có tiền mua xe ba gác, họ trả trước 1 phần đã dùng mua xe, rồi đúng ngày dỗ họ tới nói bắt vong con Liên để đem làm đám cưới, dỗ thì âm hồn sẽ về dương gian đoàn tụ cùng người thân, lúc đó mới bắt được, rồi họ trả nốt số còn lại. Tôi thấy tội chứ không biết làm sao. Giờ còn phải theo tập tục nhà cô Hai Dung không có bàn thờ cho cô Liên đó, do làm ma theo chồng. Tôi sau này cũng tránh xa mấy cái đám cưới hỏi. Hay phải là buổi sáng với là người quen biết thì tôi mới đi. Chứ còn xa lạ, nhỡ đâu đi vào trúng đám cưới ma thì sao. Họ cũng phải đám cưới đám hỏi, sinh nhật chứ.
Thẻ:Horror Wedding Collection, Kinh dị, Truyện Ngắn