Người Hàng Xóm Đi Xe Đạp

0 Comments

Chú Thích: Truyện trong series mới My Daily Life Ghost Stories. Chuyện ma ‘thường ngày’ thôi.

Dựa trên chuyện có thật…

Chuyện này xảy ra lâu rồi, lúc tôi còn nhỏ. Tôi không còn nhớ rõ chi tiết gì nữa.

—–

Dạo đó cậu tôi mới từ Mỹ về ở chơi nhà tôi tới 1 tháng. Gần 15 năm rồi cậu mới về Việt Nam. Bố mẹ tôi dẫn cậu tôi đi chơi, thăm hỏi bà con, ra thăm mộ ông bà ngoại. Con người cậu giản dị nên cũng không có đi đâu nhiều. Cậu thích ở nhà ngồi chơi, tán gẫu, gặp bà con thôi.

Họ trò chuyện suốt từ chuyện mấy người bà con giờ ở đâu làm gì, đến chuyện xưa chuyện cũ. Tôi mới thấy thì ra mấy người Việt kiều về thích hỏi thăm mấy người quen, thích gặp người xưa với mấy chuyện hoài niệm cũ ra mà nói.

Tôi lúc đó mới 11 tuổi, thích nghe người lớn nói chuyện lắm. Nhờ vậy mới biết đủ thứ chuyện, nào chuyện bên Mỹ hay chuyện mấy người bà con, chuyện ông bà hồi xưa, rồi mấy cậu mấy mợ hồi trước. Nghe thú vị lắm.

Tôi nhớ tối đó ăn cơm xong thì bố mẹ tôi với cậu lại ngồi nói chuyện. Cậu cũng sắp về Mỹ lại rồi nên họ trò chuyện suốt. Cậu ấy nói:

“Mày nhớ coi còn ai tao chưa thăm hỏi không? Để mai tao đi luôn. Mắc công người ta quở tao quên họ.”

“Ôi, em nghĩ là hết rồi anh à. Bà con họ cũng bảo nhau là anh về. Ai có lòng thì sang thăm.”- Mẹ tôi vừa gọt trái cây vừa nói.

“Tao thấy là qua chơi nhà hàng xóm đi. Hồi trước nhà bé Duyên với anh chị Sáng thân nhà mình lắm. Còn nhà bác Thành, bán bún riêu. Giờ con cái lớn mà 2 bác nhìn già quá. Thế mà còn nhớ tao. Kể nhiều chuyện mà tao muốn khóc luôn. Má mình hồi xưa qua lại. Tình nghĩa mấy chục năm. Tao sắp về rồi cũng muốn năng lui tới.”- Cậu xúc động nói.

“Thì anh cứ sang. Em với mấy nhà hàng xóm hay chạy qua chạy lại. Tại 2 nhà bên cạnh nhà mình đổi chủ. Nên chưa thân quen đó thôi. Nhiều người dọn đi lắm anh ạ. Có vài người mất liên lạc. Cái chợ phía sau nhà mình thì còn đó, chứ mấy nhà buôn bán như bác Thành giờ dẹp rồi. Em cũng ít qua lại. Đi chợ thì qua chào hỏi thôi.”-Mẹ tôi đưa trái cây cho cậu ăn.

“Mày thiệt tình. Hồi xưa má trong chợ bán trái cây, toàn bạn má không đó. Tao phụ má bán cho đến năm đi vượt biên mà. Thân quen trong đó cả. Người già thì càng nên thăm hỏi. Chị Lan bán nước mía còn bán đó thôi. Tao cũng quên mặt nhiều người. Nhớ mang máng. Nay mai tao đi vô chợ nữa để tìm người quen. Hôm nọ tao định tìm quán bún riêu, nghĩ lại mới thấy nhiều người quen mình còn ở đó. Phải rồi, lúc tao đi về thấy cái anh gì hay đi xe đạp ở trong đường hẻm. Ảnh giơ tay chào tao. Tao chẳng nhớ ảnh tên gì. Chứ quen lắm. Hồi xưa thấy ảnh đạp xe đi qua nhà mình hoài mà. Còn mua trái cây nữa. Là khách quen, có trò chuyện với tao. Chứ tao quên rồi. Ảnh đạp xe qua, tao chưa kịp chào còn lơ ngơ chưa nhớ ra ảnh. Lúc sực nhớ chạy theo thì ảnh mất hút rồi. Ảnh y như xưa chả thay đổi gì. Mày nhớ ảnh tên gì, với nhà đâu không?”-Cậu tôi hỏi.

Mẹ tôi nhăn mặt còn hỏi bố tôi là: “Anh coi. Anh em nói ai vậy?”

Bố tôi coi tivi chẳng để ý nói: “Trong chợ đông người. Xóm dưới đó mình ít quen. Anh đâu có biết cậu nói ai. Hay mai con với cậu đi vô chợ giúp cậu xách đồ thăm hỏi người quen rồi hỏi coi.”

Tôi dạ vâng đàng hoàng. Rồi tôi chợt nhớ có ấn tượng về cái người hàng xóm đi xe đạp mà cậu nói tới đó. Tôi chợt quay lại ngay nói: “Con biết ai rồi. Là thầy Chính dạy tiểu học lớp 1A đó ạ. Hồi con học lớp 1D thấy thầy ấy hàng xóm mình dạy lớp 1A. Chiều nào thầy cũng đạp xe qua nhà mình hết.”

Bố mẹ tôi tần ngần 1 lúc. Cậu tôi à lên thiệt to nói: “Đúng… đúng đó. Cậu nhớ là anh thầy giáo đó. Đúng… ảnh là thầy giáo nên hay mặc sơmi xách cặp rồi đạp xe đi qua nhà mình. Nhà ảnh ở xóm sau. Đúng là ảnh rồi.”

Bố mẹ tôi dòm nhau rồi dòm tôi. Bố tôi chỉ nói: “Ơi, cái thằng này… thầy Chính chết hình như 5 hay 6 năm rồi. Không phải hồi đó tụi khối lớp 1 khóc quá chừng sao. Tụi lớp 1A còn đi viếng thầy nữa. Không phải đâu cậu. Thầy Chính đó chết rồi. Chắc cậu thấy ai đó khác.”

Cậu tôi mơ hồ cũng gật nói: “Ờ… chắc tao nhớ người nọ ra người kia.”

Tôi lúc đó mới nghĩ ra đúng như bố tôi nói. Thầy Chính chết lâu rồi. Không hiểu sao tôi chẳng nhớ thầy ấy chết mà chỉ nhớ hình bóng thầy Chính còn đâu đó như bình thường vẫn đi vòng vòng trong xóm. Kỳ lạ quá. Tôi chợt rung cả mình. Nếu bố không nhắc thì tôi cứ ngỡ thầy ấy còn sống. Nhớ mới thấy hình bóng thầy ấy hôm qua hay hôm kia thôi. Nhưng rõ ràng thầy ấy chết rồi mà. Tôi thấy mơ hồ lắm.

Tôi chạy theo mẹ lúc mẹ dọn dẹp hỏi: “Mẹ, thầy Chính đó chết rồi hả mẹ?”

“Thì mất lâu rồi. Chả phải hồi ấy con về nhà bảo bố mẹ là thầy chủ nhiệm lớp 1D chết rồi sao, con còn bảo cái thầy hay đạp xe qua nhà với vòng vòng trong phố của mình ấy. Thế là bố mẹ biết tin, mới qua xóm ấy. Tội nghiệp lắm, thầy ấy cũng tầm tuổi bố mẹ thôi. Ra đi đột ngột. Nhà có cô chị với bà mẹ. Mẹ thầy ấy, đầu bạc tiễn người đầu xanh. Thấy mà thương tâm. Từ đó nhà họ đóng cửa im ỉm. Cái nhà to có cây mận ấy. Nhà mình không qua lại gì với bên ấy nên mẹ không để ý bên nhà đó ra sao nữa.”- Mẹ tôi nói.

Cái nhà ấy thì tôi biết. Thì ra là nhà thầy Chính sao. Nhà đó to lại khuất sau hẻm. Xóm ấy tôi không rành. Chứ con nít chúng tôi thì chạy khắp đầu đường ngõ hẻm. Nhiều nơi người lớn không biết đâu, chứ con nít bọn tôi biết tất ấy.

Nhưng chuyện thầy Chính đạp xe đạp làm tôi hơi băn khoăn. Tối đó tôi ngủ mơ linh tinh cũng thấy hình dáng thầy ấy đạp xe đạp đi qua trước mặt mình. Còn vẫy tay. Tay thầy ấy cứ vẫy vẫy nhẹ nhàn. Cánh tay vẫy kiểu gì mà như sóng gợn ấy. Còn hình dáng thì đen ngòm. Kiểu như tôi chỉ nhớ thấy cái bóng chạy xe đạp qua chứ không sao nhớ ra trông thế nào. Như 1 cái bóng bạn thấy thi thoảng qua lại chứ không nhớ rõ người ngợm, mặt mũi thế nào. Có lẽ là mơ nên thấy đủ thứ chuyện kỳ lạ, lộn xộn. Thấy mình tự dưng ngồi ở nhà thấy xe đạp chạy qua. Rồi đi theo… Tới hẳn cái ngõ nhà thầy. Thấy cái nhà vốn đóng cửa im ỉm đó cửa lại mở toang. Tôi tò mò đi tới coi thì tự dưng nghe tiếng chuông xe đạp phía sau lưng mình. Quay lại thì thấy thầy ấy đạp xe đạp từ phía sau chạy tới. Tiếng chuông không ngừng còn hòa với tiếng cười của thầy ấy.

Lúc tôi giật mình tỉnh vì tiếng chuông đồng hồ báo thức reo lên, thấy mồ hôi mình vả ra đầy người. Nghĩ chắc mình mơ linh tinh thôi. Nghe tiếng chuông đồng hồ lại nghe như tiếng chuông xe đạp. Chứ cả ngày hôm đó tôi cứ suy nghĩ về chuyện mình nghe từ cậu với cái giấc mơ kỳ lạ đó.

—-

Đi học tôi liền hỏi ngay mấy đứa bạn. Nhà tụi nó cũng ở vòng vòng trong phố hay bên kia đường thôi. Thằng Quốc nói ngay: “A, là cái anh hay đi xe đạp trong hẻm. Áo sơ mi trắng với mang cái cặp cỗ lỗ đúng không? Tao thấy hoài đó chứ. Mày hỏi ảnh là ai à? Cái này thì tao không biết. Chắc hàng xóm trong hẻm thôi. Chứ thấy hoài.”

Tôi sởn cả gai ốc còn quay hẳn xuống bàn dưới nói: “Mày… mày thấy cái người hàng xóm đi xe đạp đó hả? Thiệt không? Là thầy Chính đó.”

Thằng Cường đang chép bài hí hoáy nói: “Ừ… tưởng ai chứ hóa ra thầy Chính thì tao biết. Chủ nhiệm hồi trước của lớp tao. Thầy ấy vẫn đi xe đạp à? Ha ha, giờ ai cũng đi xe máy.”

Tôi càng sợ hơn nói: “Tụi mày không nhớ à? Thầy Chính chết lâu rồi. Chết lúc bọn mình còn học lớp 1.”

Thằng Cường làm rớt viết, mặt nó ngớ ra rồi từ từ tái xanh. Thằng Quốc thì cười nói: “Thầy Chính là ai? Nhà tao mới dọn về đây. Tao chẳng biết ông thầy ấy. Bọn mày có lầm người không? Tuần trước lúc đi đá banh tao vẫn thấy cái người hàng xóm đi xe đạp đó mà.”

Thằng Cường run rẩy kéo áo tôi nói: “Ê… ê mày… Phải thầy Chính không? Thầy Chính chết rồi mà. Sao… sao… thấy được chứ?”

Tôi lợm cả giọng nói: “Thì bởi thế mới hỏi chúng mày. Tao cũng nhớ là thấy ấy mất rồi. Cậu tao từ Mỹ về đi thăm người quen ở trong chợ lại bảo thấy người hàng xóm chạy xe đạp vẫy tay chào mình. Mày học lớp 1A hồi trước mà. Có nhớ…”

Thằng Cường ngồi bậc ra nói: “Tao… tao nhớ mơ hồ. Học hết học kỳ 1 thì thầy Chính mất. Tao chẳng nhớ sao thầy ấy mất nữa. Tao cũng nhớ thầy ấy đi xe đạp hay đi trong hẻm ra ngoài đường. Tao còn nhớ thấy bóng dáng của thầy… ờ thì.. hay thấy…”

Cả 2 chúng tôi đều sợ chứ thằng Quốc thì chẳng tin có ma còn nói là người giống người, hay anh hàng xóm nào trong xóm cũng đi xe đạp rồi cả đám hiểu lầm là ma.

Tôi có hỏi thêm mấy đứa bạn trong lớp nữa mà đa phần không để ý. Chứ có vài đứa trong xóm bảo có thấy. Nhưng cũng như thằng Quốc, đều là nhà mới dọn tới vài năm gần đây. Con nít chúng tôi nhất là cái thưởu lớp 1 đó thì rất kém cái vụ nhớ mặt người lớn. Tôi chẳng nhờ mặt thầy Chính trông ra sao cả. Nên dù có thấy người hàng xóm đó thì cũng không chắc có phải thầy Chính không. Mà như thế, nếu là thầy Chính thì là ma rồi.

Tôi vừa sợ vừa hiếu kỳ. Nên tính rủ mấy đứa bạn hôm nào đó đi tìm hiểu thử xem. Vài hôm nữa là hè rồi nên tha hồ. Bình thường thì tụi trong lơó mà nghe là tò mò lắm đi coi liền. Chứ đang thi cuối năm. Tụi nó cũng không mặn mà gì. Tôi cũng lo thi cho xong rồi nghỉ hè.

—–

Hôm đó sau giờ học bọn tôi đáng lẽ đi đá banh. Thế mà vì vụ thi cử nên nhiều đứa bị bố mẹ cấm ra ngoài chơi. Thằng Bình bảo để đến chiều học bài xong rồi mẹ nó lo nấu cơm tối thì nó lẻn đi. Nhiều đứa cũng tính thế. Nên bọn tôi dự định là đá banh trễ thôi. Con trai bọn tôi thì long nhong cả ngày ngoài đường, tối thì về ăn cơm. Bố mẹ tôi đều là dân làm ăn buôn bán nên nhà tôi ăn cơm tối rất trễ. Chúng tôi chỉ ra bãi đất trống để đá banh. Tôi định bụng thế.

Chiều thì cậu kêu tôi vô chợ cùng để thăm người quen. Bình thường tôi cũng hay đi theo cậu. Để mang đồ tặng người quen rồi cậu còn mua đồ ăn hay quà vặt cho tôi. Nên tôi nhanh nhẹn lắm.

Thế mà hôm đó cậu vô nhà cô Xuân may đồ nào đó để nói chuyện. Tôi chả quen, mà cậu với cổ nói chuyện suốt. Tôi ngeh mệt quá rồi nên đi. Cậu biết tôi mệt nên cho tiền rồi kêu tôi đi mua quà vặt.

Tôi nhận tiền tính đi thì nghe cậu hỏi cô Xuân này về người hàng xóm đạp xe đạp. Cô Xuân bồng con mới 2 tuổi ngẫm nghĩ nói: “Ai thế nhỉ? Anh nhắc làm em cũng nhớ mang mán. Trong khu nhà em nhiều người lắm anh ạ. Hay đi xe đạp ngang qua còn vẫy tay à? Hình như là…”

Cô Xuân ngồi ngẫn ra rồi chợt tái cả mặt. Con cổ chỉ ra ngoài rồi tự dưng khóc toáng lên. Cô Xuân vội dỗ con. Cậu tôi cười nói: “Không nhớ thì thôi. Anh chỉ hỏi thăm. Hồi trước cậu đó hay ra mua trái cây. Anh hôm nọ lại thấy cậu ta đi xe đạp còn vẫy tay với anh nên anh hỏi.”

Cô Xuân hoảng cả lên nói: “Anh thấy à… Ừm… thi thoảng cũng có người thấy. Mà thôi, anh đừng hỏi nữa. Phải rồi, anh ở bên Mỹ thế nào? Nhà cửa ra sao? Chừng nào tìm bạn đời đây? Có muốn em giới thiệu mấy người cho anh làm quen không?”

Tôi thấy dáng vẻ cô Xuân có vẻ sợ lắm rồi mới nói sang chuyện khác. Tôi thấy lạ nên càng tò mò hơn. Tôi cầm tiền đi ra chợ thầm nghĩ là mình phải đi tìm cái người hàng xóm đi xe đạp để coi là người hay ma mới được.

—–

Tôi cầm tiền đi thì tắp vào tiệm mướn truyện rồi ngồi đọc. Do ghiền quá nên quên khuấy thời gian. Tới khi xong cuốn truyện thì chiều tối rồi. Tôi mới nhớ ra vụ đá banh. Bọn tôi chơi đá banh nên cứ đứa nào tới là nhào vô đá thôi. Hay thằng nào đá lâu rồi thì thằng khác vô tiếp. Cũng chẳng có quy định thời gian gì.

Tôi chạy đi đá banh. Tới thì thấy tụi nó đá nãy giờ rồi. Nhiều đứa vừa ăn cơm tối xong chạy ra đá cho mấy đứa khác về ăn cơm. Tôi nhập cuộc ngay, còn nghĩ bố mẹ biết tôi đi với cậu thì biết 2 cậu cháu cũng ăn hàng bên ngoài rồi. Không đợi cơm đâu, cũng không ra kêu tôi về. Tôi tha hồ mà đá banh. Cậu thì còn lâu mới nói chuyện xong. Nghe cậu nói hôm nay đi thăm mấy nhà lận, thế mà tới nhà cô Xuân đó mà nói mãi chưa xong. Vậy thì còn lâu cậu mới về. Bố mẹ cũng chẳng vác roi mà đi kiếm tôi nên tha hồ mà chơi.

Tôi đá cho tới khi mấy thằng cuối cùng phải về nhà hay bị bố với anh chị chúng ra bắt về. Lúc đó cũng 8 giờ rưỡi rồi. Tôi mới bắt đầu về. Mấy đứa nhà gần thì mới ở lại chơi đến tối, chứ mấy đứa nhà xa thì về từ sớm. Nhà tôi thuộc loại khá xa khu đất trống đó.

Tôi đi qua cây cầu rồi đi xuống khu chợ. Tôi vừa đá banh cả buổi xong nên mồ hôi ướt đẫm, giờ lại thấy bắt đầu lạnh. Tôi rảo bước đi thiệt nhanh. Khu chợ ban ngày tấp nập chứ tối rồi thì như câu chả có ma nào cả. Có 2 quán bán ốc với bán cháo ăn khuya.

Tôi thấy hơi ớn rồi, do ham chơi mà về trễ quá. Còn vụ thi cuối năm, thể nào bố tôi cũng cầm cây đợi sẵn. Thế là tôi cấm đầu mà chạy về nhà cho nhanh.

Tôi tính chạy tắt qua trong chợ. Chạy qua mấy cái sạp đã đóng cửa. Mấy cánh cửa sắt kéo xuống. Trong đó tối om. Cả mấy nhà bán buôn lúc sáng giờ họ đóng cửa chặt cứng. Tôi chạy 1 mạch qua khu chợ. Sao tôi có cảm giác hơi là lạ như thấy quen quen thế nào. Nhưng tôi nghĩ chắc hằng ngày mình chạy đi chơi chỗ này chỗ kia nên quen mắt. Cũng còn nhiều người đi qua lại trên đường. Đường hẻm lớn xe cộ còn chạy vào, chạy ra suốt. Tiếng xe máy, tiếng xe đạp rất nhiều.

Rồi chạy lại cái hẻm hồi nãy. Tôi cứ có cảm giác có xe chạy theo mình. Nhưng lúc đó tôi lo mà về nhà nên không quay lại coi. Nghĩ cũng bình thường thôi, nhiều người đi xe vào hẻm. Hẻm nhỏ mà họ còn chen vào được nữa là.

Ring ring.. Lộc cộc.

Chợt tôi nghe như có riếng chuông xe đạp với tiếng đạp xe đạp phía sau lưng mình. Tôi hoảng hồn giật bắn người lên. Tôi nhớ ra cái chuyện về người hàng xóm đi xe đạp có thể là hồn ma của thầy Chính. Toàn thân tôi thấy lạnh. Thế là tôi không suy nghĩ nhiều càng không dám quay lại mà cấm đầu cấm cổ chạy đi.

Lộc cộc…

Tôi lại càng nghe tiếng xe đạp đó rõ ràng. Như cái xe đang chạy đuổi theo tôi. Ngay phía sau tôi. Tôi hét tướng lên rồi chạy đại vô 1 cái hẻm nhỏ. Xong tôi chạy qua hẻm đó rồi thở không ra hơi.

Phù.. lúc chạy qua hẻm thấy không còn nghe tiếng xe đạp nữa tôi mới bình tĩnh lại. Tôi đứng thở mấy cái. Cổ họng khô rát. Cả buổi đá banh hét nhiều quá, lúc nãy lại bị hoảng hồn 1 phen nên giờ cổ họng đau. Còn cả người thì mất hết sức lức.

Nhưng may mà thoát. Tôi dòm qua đường hẻm thấy không có xe đạp chạy theo thì mới yên tâm 1 chút.

Tôi nhìn lại thấy mình đứng ở 1 con hẻm tối tăm. Hẻm này tôi cũng từng chạy qua chơi chứ không đi qua lại thường xuyên vì nó là hẻm cục.

Tôi chợt rung mình nhớ ra cái hẻm này hình như là hẻm nhà thầy Chính. Tôi nhìn thấy cuối hẻm là căn nhà đó. Toàn thân tôi tê cứng. Tôi nhìn đảo xung quanh thấy giống giấc mơ của mình hồi tối qua lắm. Cũng cửa đóng then cài, nhiều cây to, bức tường dài bị ố đen, rồi đèn đường leo lét chiếu vào cảnh vật trong hẻm.

Tôi sợ quá vội chạy. Nhưng sợ chạy vào con hẻm nhỏ hồi nãy quá. Trong hẻm đó không có đèn. Thôi thì cứ chạy thẳng về phía trước. Có đèn lại rộng rãi, nhiều nhà nên đỡ sợ hơn nhiều.

Tôi còn nghe tiếng chó sủa vang ra từ cái nhà trước mặt nên yên tâm mà đi thẳng tới trước.

Gâu gấu..

Tôi nghe thêm tiếng chó sủa ở 2 căn bên cạnh. Chà… chuyện mấy con chó sủa thì bình thường. Một con sủa rồi mấy con khác sủa hẳn lên. Tôi còn nghe tiếng chủ nhà kéo chó vô nhà nhốt.

Tôi chạy gần qua hết con hẻm rồi nên đi từ tốn lại. Tôi quẹt mồ hôi rồi đi tiếp.

Chợt trước mặt ở chỗ góc tối tôi thấy có xe đang chạy tới.

Tiếng cộp cộp của xe đạp. Lúc đó tôi lại không sợ gì lắm. Bèn vội đứng mép qua 1 bên cho xe người ta chạy vô hẻm.

LỘC CỘC.

Tiếng xe đạp đều nhiều. Tiếng bánh xe lộc cộc lộc cộc.

Gấu gấu…

Tự dưng nghe tiếng chó sủa rất dữ dội. Lúc này tôi mới giật mình. Thấy sao tự dưng chó sủa nhiều thế. Còn cái tiếng lộc cộc của xe đạp nghe kỳ lắm. Thiếu cái tiếng bánh xe trên mặt đường. Cảm giác như chỉ nghe tiếng đạp xe mà thôi chứ không nghe tiếng va chạm của bánh xe trên mặt đường.

Tôi hoảng hốt vội né ra chứ chân nọ đá chân kia nên té ngồi xuống đất. Mông tôi chạm vào đất còn chân tôi đau điếng. Tay tôi bị trầy lúc chạm vào mặt đường. Tôi nhất thời chẳng đứng dậy nổi.

LỘC CỘC…

Thình lình cái xe đạp cùng cái bóng người chạy vụt qua sát ngay trước mặt tôi. Tôi nghĩ cả đời tôi cũng chẳng quên được cái bóng người cùng cái xe đạp đó.

Tôi coi nhiều phim ma hay mấy phim ma quái vật máu me rồi. Thấy cũng chỉ là ma tái hay xám hay tóc dài rũ rượi, hay mặt đầy máu. Chứ cái bóng này khác. Tôi cảm thấy nó dòm hẳn vào mình. Lúc đó ba hồn bảy vía của tôi như tiêu biến hết. Không còn chút cảm giác gì. Mắt cứ mở trợn lên mà nhìn vào cái bóng đó. Cái xe đạp như chạy hẳn qua người tôi. Nó nhẹ bỗng như không khí chứ lạnh còn hơn nước đá chảy qua ruột gan của bạn nữa. Còn cái bóng đó… đơn giản là nó chỉ là 1 cái bóng phủ lên mặt bạn. Có lẽ đứng nhìn từ xa thì thấy như một bóng người chạy xe đạp bình thường đi ngang qua. Chứ đứng gần sát mà nhìn thì… thấy nó là 1 hồn ma. Kiểu như nó thu lượm mấy hình ảnh khi còn sống của mình lại rồi chấp vá thành cái hình dạng này để di chuyển 1 cách bình thường để đi ngang qua lại giữa cuộc sống của những người sống.

Tôi chỉ nhớ cái nụ cười cùng hàm răng sứt mẻ đó trên gương mặt như chỗ lệch chỗ méo đó vậy. Chân tay tôi lạnh đi rồi tâm trí tôi đông lại luôn. Cho tới khi bất tỉnh. Mắt tôi còn chưa nhắm lại hẳn. Tôi lúc té xỉu xuống mơ hồ thấy cái bóng đạp xe đó đạp đi tiếp tới cuối hẻm. Rồi thế là tôi mất ý thức.

—–

Sau đó thì tôi được mấy người hàng xóm trong hẻm đó phát giác rồi đưa về nhà. Bố mẹ bảo tôi bị trúng gió thôi. Thiệt là họng tôi cứng lại, cả mấy ngày sau mới hoàn hồn. Bố thì còn la tôi là ham chơi rồi quên ăn uống nên bị trúng gió là phải. Mẹ tôi thì bảo bị sốt nên thấy này nọ lung tung chứ không có ma đâu.

Tôi biết họ nói thế cho tôi khỏi sợ, hay khỏi kể cho chúng bạn nghe mắc công đồn ra. Sau đó tôi có hỏi chuyện mấy người sống ở xóm đó. Họ kể là thi thoảng có thấy hồn ma của thầy Chính đạp xe đi qua lại. Chỉ có vài người nhớ ra thầy ấy mất rồi, mới biết là ma. Còn nghe nói có người thấy xe đạp của thầy ấy chạy qua chào mình cái chào lại rồi còn nói vài câu nữa. Sau đó người đó về nhà mới nhớ ra là thầy ấy chết rồi. Họ bảo do thầy ấy mất cũng do đi xe đạp trong hẻm này. Thấy ấy đi xe đạp qua đường, bị xe quẹt rồi té xuống. Thầy ấy đứng dậy đi được nên tưởng không sao, còn đạp xe đi tiếp về nhà. Nhưng ai ngờ đi tới hẻm sắp về tới nhà thì tự dưng té ngã. Hàng xóm chạy lại thì thấy thầy ấy tử vong rồi. Có lẽ là thế nên hồn ma của thầy ấy chưa tin mình chết, cứ chạy qua lại quãng đường từ bên ngoài vô hẻm rồi cứ tiếp tục. Còn chào bà con hàng xóm như bình thường.

Tôi dạo đó còn nhỏ, quá sợ rồi nên không dám lui tới con hẻm hay khúc đường đó nữa. Đến giờ vẫn vậy.

Mấy năm sau nhà cửa mọc lên, quận chúng tôi đông người tới ở. Khu nào cũng đông đúc tấp nập. Xe cộ qua lại, chợ thì càng lúc càng đông. Con đường đó cũng giai tỏa 1 phần. Rồi đường xá sửa lại hết. Nới rộng ra rồi xây khu chung cư mới gần đó. Nên thi thoảng cũng thấy người hàng xóm đi xe đạp chạy hẳn ra ngoài đường và mấy đường hẻm khác. Nhưng giờ đông đúc quá, người qua kẻ lại, nên có lẽ không ai để ý đến.

Thẻ:, , ,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *